Thủ tục Công chứng

Thủ tục Bổ nhiệm lại Công chứng viên

 

Thủ tục Bổ nhiệm lại Công chứng viên

Cơ quan thực hiện Sở Tư Pháp
Lĩnh vực Công chứng
Trình tự

a) Trình tự thực hiện:

- Bước 1: Người đề nghị bổ nhiệm lại công chứng viên nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp (địa chỉ: số 141-143 Pasteur, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh) hoặc gửi qua đường bưu chính, từ thứ hai đến thứ sáu (buổi sáng từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, buổi chiều từ 13 giờ 00 phút đến 17 giờ) và buổi sáng thứ bảy (từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút).

- Bước 2: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ:

* Trường hợp nộp trực tiếp:

+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ và đầy đủ theo quy định thì cấp Biên nhận hồ sơ;

+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, công chức được phân công tiếp nhận hướng dẫn bằng văn bản cho người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

* Trường hợp nộp qua bưu chính:

Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì thực hiện giải quyết hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì mời người nộp hồ sơ đến bổ sung theo quy định.

- Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm lại Công chứng viên. Trường hợp từ chối, thì thông báo bằng văn bản, có nêu rõ lý do.

- Bước 4: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm lại công chứng viên. Trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản, có nêu rõ lý do, gửi cho Sở Tư pháp và người đề nghị bổ nhiệm.

- Bước 5: Người đề nghị bổ nhiệm lại Công chứng viên đến nhận kết quả theo thời gian được xác định trong phiếu hẹn.

+ Lần 1: Người đề nghị bổ nhiệm lại Công chứng viên đến Sở Tư pháp nhận thông tin giải quyết hồ sơ hoặc văn bản từ chối bổ nhiệm lại Công chứng viên.

+ Lần 2: Người đề nghị bổ nhiệm lại Công chứng viên liên hệ Bộ Tư pháp nhận kết quả giải quyết.

b) Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp.

c) Thành phần, số lượng hồ sơ:

- Thành phần hồ sơ:

+ Đơn đề nghị bổ nhiệm lại công chứng viên (theo mẫu);

+ Phiếu lý lịch tư pháp;

+ Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp;

+ Bản sao có chứng thực hoặc bản photo kèm bản chính để đối chiếu quyết định miễn nhiệm công chứng viên;

+ Bản sao có chứng thực hoặc bản photo kèm bản chính để đối chiếu các giấy tờ chứng minh lý do miễn nhiệm không còn (trừ trường hợp Công chứng viên được miễn nhiệm theo nguyện vọng của cá nhân hoặc chuyển làm công việc khác đề nghị bổ nhiệm lại công chứng viên).

- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

d) Thời hạn giải quyết:

+ Tại Sở Tư pháp: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp.

+ Tại Bộ Tư pháp: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định.

đ) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân.

e) Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Bộ Tư pháp.

- Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp.

g) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Văn bản đề nghị bổ nhiệm lại Công chứng viên hoặc văn bản từ chối, có nêu rõ lý do.

h) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

+ Đơn đề nghị bổ nhiệm công chứng viên (Mẫu TP-CC-05 đính kèm Thông tư số 06/2015/TT-BTP)

+ Giấy chứng nhận sức khỏe (Mẫu Khám sức khỏe dành cho người từ 18 tuổi trở lên đính kèm theo Thông tư số 14/2013/TT-BYT).

i) Lệ phí: Không.

k) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

- Công chứng viên được miễn nhiệm theo nguyện vọng của cá nhân hoặc chuyển làm công việc khác được xem xét bổ nhiệm lại công chứng viên khi có đề nghị bổ nhiệm lại.

- Người bị miễn nhiệm công chứng viên được xem xét bổ nhiệm lại công chứng viên khi lý do miễn nhiệm không còn và đáp ứng đủ tiêu chuẩn công chứng viên:

+ Có bằng cử nhân luật.

+ Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật.

+ Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

+ Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.

+ Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.

- Người bị miễn nhiệm công chứng viên do bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về tội phạm do cố ý, bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ hai trong hoạt động hành nghề công chứng mà còn tiếp tục vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên đến lần thứ hai mà còn tiếp tục vi phạm hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì không được bổ nhiệm lại công chứng viên.

- Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên đã đăng ký tập sự.

- Người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên không thuộc trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên:

+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích hoặc về tội phạm do cố ý.

+ Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

+ Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

+ Cán bộ bị kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, công chức, viên chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân, viên chức trong đơn vị thuộc Công an nhân dân bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu Công an nhân dân hoặc đưa ra khỏi ngành.

+ Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư do bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách của Đoàn luật sư, người bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm kể từ ngày quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư có hiệu lực hoặc kể từ ngày chấp hành xong quyết định tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư.

 

Cơ sở pháp lý

- Luật Công chứng năm 2014 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015).

- Thông tư số 06/2015/TT-BTP ngày 15/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng (có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2015).

- Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc khám sức khỏe (có hiệu lực kể từ ngày 22/6/2013).

 

Tệp tin

Biểu mẫu